BÀI MINH

Tiền nhân đã dạy: Nhà nào chứa nhiều điều thiện thì có dư điều phước. Cho nên người quân tử ngày xưa mở mang cơ nghiệp hàng mấy trăm năm về trước mà phúc ấm lưu lại đến mấy trăm năm về sau.

Họ Phan ta trước kia là người gốc Châu Hoan, đầu tiên dời vào miền Duy Xuyên vùng Quảng Nam, con cháu nối đời lập nhà cửa sinh sống ở đó, nay gọi là Quế Sơn. Tổ tiên mở mang, con cháu nối nghiệp, giữ gìn lưu truyền âm đức từ đời này sang đời khác, kín đáo không phô trương. Mãi đến ông Tằng tổ mới nổi danh về văn học. Ngài sinh hạ được bốn trai đều lo tu thân và bồi bổ cơ nghiệp, mức thu hoạch lên tới 600 thạch. Từ đó khoa hoạn tiếp nối.

Phòng trưởng có một vị đỗ cử nhân làm quan đến tri huyện và hai vị đỗ tú tài.

Phòng trọng có ba vị đỗ tú tài, một vị được Hàn lâm viện, một vị Chánh cửu phẩm.

Phòng quý có một vị đỗ cử nhân, làm quan đến Bố chánh sứ tỉnh Tuyên Quang.

Nhờ thấm nhuần lời giáo huấn đường đường chính chính nào khác ghi vào bảng vàng bia đá mà con cháu đều chăm lo học hành, làm lụng trở nên hương hảo.

Nay nhân dịp ngôi nhà thờ vừa khánh thành, chạnh nhớ đến ân đức cao dày của tổ tiên, tất cả các chi phái gần, xa trong họ cùng nhau tham khảo các kinh điển xưa, nhất là các bộ sách Quảng vận ngọc thiên và Thuyết văn để soạn bài minh này và khắc vào gỗ, kính cẩn ghi rõ tên húy vào đây là có ý muốn lưu truyền công đức như biển cả, núi cao của tổ tiên truyền đến muôn đời sau, tiếp nối nhau lo phụng thờ, tế tự, con cháu nhìn rõ, khác nào như được trực tiếp chứng kiến ngày nay.

Thủy tổ húy Vi Công – Tổ tám đời húy Hiền Công – Tổ bảy đời húy Ích Công – Tổ sáu đời húy Trình Công – Tổ năm đời húy Viễn Công – Cao Tổ húy Thuận Công Tằng tổ.

Huệ công sinh hạ bốn phái:

  • Ông Tổ Phái trưởng Tuâng công.
  • Ông tổ Phái trọng Tiến công làm chức tướng thần.
  • Ông tổ Phái thúc Dụng công làm tri huyện.
  • Ông tổ Phái quý Thành công được tặng hàm Thị tộc.

Soạn vào mùa thu năm Nhâm Thân niên hiệu Tự Đức (1872).

Đồng tộc trùng tu khắc bản vào tháng hai năm Tân Sửu (1901).

Dịch theo bản chính khắc trên gỗ tại nhà thờ Tộc Phan ở Quế Châu (gần chợ Đàng).


Dịch giả: Phan Mật

Xuân Kỷ Tỵ (1989)

BẢN GỐC (CHỮ NHO)