Cây có cội, nước có nguồn. Cội rễ vững bền thì cành lá rậm rạm, hoa quả tốt tươi. Chúng ta con cháu họ Phan được trường thịnh như ngày hôm nay chính là nhờ ân trạch sâu rộng của tổ tiên.
Họ Phan thôn Phước Đức, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (trong phả này gọi là họ Phan Phước Đức – Quế Châu) là một trong những dòng họ có mặt sớm nhất dưới vương triều Hậu Lê (khoảng những thập niên giữa thế kỷ XIV) để lập nghiệp tại xứ sở này (thôn Phước Đức, xã Quế Châu). Đây là vùng đất rộng lớn, sơn thủy hữu tình nằm gọn trong thung lũng của huyện Quế Sơn mà tổ tiên chúng ta đã đứng chân rất lâu cùng các tộc họ khác thích nghi với rừng thiêng nước độc, vượt qua nhiều khó khăn thử thách của thuở ban đầu khởi nghiệp để khai sơn phá thạch, khai canh hóa dân, chiêu đinh lập ấp, kiến lập xã hiệu,…đến nay khoảng 500 năm.
Cùng dòng chảy của thời gian, các thế hệ con cháu họ Phan đã hình thành phát triển các hệ tộc, phái hệ, chi hệ,… sinh cư lập nghiệp tại xứ Ao Thành (xã Quế Thuận), làng Phước Đức (xã Quế Châu), xứ Trà Sơn (xã Quế An), làng Tây (xã Phú Thọ). Rồi do yêu cầu của công cuộc mở cõi, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; do công cuộc mưu sinh,… mà nhiều con cháu họ Phan đã chuyển cư lập nghiệp tại nhiều tỉnh thành trong cả nước (nhiều hơn là các tỉnh , thành phố Tây Nguyên, nam trung bộ, nam bộ). Có một số con cháu khác định cư lập nghiệp tại nước ngoài.
Tìm hiểu lịch sử của dòng họ không chỉ để tự hào, bảo tồn, phát huy, làm giàu di sản tinh thần quý báu của tổ tiên mà còn là cách thiết thực nhất, tốt nhất để tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn của các thế hệ hậu sinh đối với công lao trời bể của tiền nhân.
“ Tổ tiên nếu ai không biết
Sẽ không xứng đáng làm người”
Theo phả hệ tộc Phan Đà Sơn (còn lưu tại phường Hòa Khánh,thành phố Đà Nẵng) thì họ Phan Phước Đức – Quế Châu là một chi của phái họ Phan làng Phước Thượng (nay là thôn Phước Thượng, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Phái họ Phan làng Phước Thượng thuộc hệ 1 – hệ tộc 4 của tộc Phan Đà Sơn. Hệ 1- hệ tộc 4 tộc Phan Đà Sơn phát triển các hệ phái trực hệ tộc Phan Bàn Lãnh (nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) gồm các phái họ Phan làng Phước Thượng, phái họ Phan Trà Kiệu (nay là xã Duy Sơn ,huyện Duy Xuyên ,tỉnh Quảng Nam), phái họ Phan làng Đông Yên (nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Cũng theo phả hệ tộc Phan Đà Sơn , người khai tiên phái họ Phan làng Phước Thượng là Đức Vi Công PHAN VĂN LANG, hậu duệ đời thứ X của phò mã Thành Hoàng Thuận Quốc Công PHAN CÔNG THIÊN và Đệ Nhất Phẩm Phu Nhân công chúa Trần Ngọc Lãng (công chúa Trần Ngọc Lãng là con vua Trần Minh Tông). Những thông tin về nguồn gốc họ Phan Phước Đức – Quế Châu ghi tại phả hệ tộc Phan Đà Sơn mà chúng tôi làm tư liệu để biên soạn phả tộc nầy cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tra,… để biết được độ chính xác của tư liệu.
Thân phụ và thân mẫu của Đức Vi Công Phan Văn Lang không rõ. Gốc tổ của Người là thôn Quang Trung, xã Ba Phẩm, huyện Nghi Xuân, phủ Thừa Tuyên Đức, tỉnh Nghệ An. Về sau thuộc xã Quả Phẩm ,huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chúng ta kính cẩn tôn xưng Đức Vi Công Phan Văn Lang của chúng ta là cao cao tổ đệ nhất đợi (thủy tổ) của họ Phan Phước Đức – Quế Châu.Những thông tin nầy lấy từ bộ phả hệ họ Phan Phước Đức-Quế Châu biên soạn năm 1983.
Thủy tổ của chúng ta từ Bàn Lãnh vào lập nghiệp tại làng Phước Thượng cùng với đệ nhất tổ phu nhân là Bà Mang (không rõ họ) cách đây khoảng 500 năm. Tại làng Phước Thượng, thủy tổ sinh hạ được 11 người con trai. Trong đó biết chắc ba người có tự (còn những người khác không rõ). Ba người có tự đó là các đệ nhị tổ: Phan Văn Thiên, Phan Công Lễ và Phan Văn Lương. Ba người có tự đã phát triển các dòng họ Phan làng Phước Thượng và Phước Đức - Quế Châu đến nay đã được 17 đời.
Phần mộ của ông thủy tổ an táng tại làng Phước Thượng (gần đường ĐT 611 và đường ĐH đi Suối Tiên Quế Hiệp) tọa hợi, hướng tị, kiêm ngọ 2 độ. Phần mộ này được con cháu họ Phan làng Phước Thượng và con cháu họ Phan Phước Đức – Quế Châu đại trùng tu vào tiết mạnh đông năm nhâm thìn (2012). Ngày….tháng…..âm lịch là ngày kỵ ông. Phần mộ của Bà thủy tổ cũng được án táng tại làng Phước Thượng cách mộ Ông thủy tổ khoảng 01km đường chim bay về hướng tây bắc, mộ tọa càn, hướng tốn, kiêm tị 3độ. Phần mộ của Bà thủy tổ cũng được đại trùng tu cùng thời gian với mộ Ông thủy tổ. Ngày… tháng …năm….âm lịch là ngày kỵ bà.
Người khai tiên dòng họ Phan Phước Đức – Quế Châu là đệ nhị tổ Đức Hiền Công PHAN VĂN LƯƠNG (thường gọi là ông Vây). Đệ nhị tổ là người con nhỏ nhất trong ba người con trai biết chắc có tự của đệ nhất tổ Phan Văn Lang. Người đến lập nghiệp tại xứ Ao Thành (nay là thôn Phước Thành xã, Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cùng với đệ nhị tổ phu nhân là bà Võ Thị Hinh (thường gọi là bà Vây). Xứ Ao Thành ( phía nam núi Đá Tịnh) và làng Phước Thượng (phía bắc núi Đá Tịnh) cách nhau khoảng 02km đường chim bay. Việc tổ tiên chúng ta chia nhau định cư tại làng Phước Thượng (02 người) và chuyển cư lập nghiệp ở xứ Ao Thành (01 người) là một việc làm có ý đồ lớn để tạo hồng phúc cho con cháu muôn đời sau theo quan điểm của người xưa: “ Địa linh sinh nhân kiệt”, “nhất mộ, nhì phòng, tam bát tự”. Thực tế phát triển dòng họ Phan Phước Đức – Quế Châu nói chung và phái quý họ Phan nói riêng đã chứng tỏ việc chuyển cư lập nghiệp của tổ tiên chúng ta là đúng và ý đồ tạo hồng phúc lâu dài cho con cháu đã trở thành hiện thực. Tại xứ Ao Thành, Ông Bà đệ nhị tổ sinh hạ được một người con trai duy nhất. Mộ Ông đệ nhị tổ được an táng tại rìa phía nam chân núi Đá Tịnh,mộ tọa càn hướng tốn kiêm tị 5 độ. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì mộ Ông là một trong những ngôi mộ có vị trí đắc địa của dòng họ. Địa cục được hình thành theo cách khẩu long thổ khí; huyệt kết theo kiểu âm lai dương thụ, oa trung hữu đột, đột trung tựu huyệt; phân châm theo cách núi đầm thông khí. Mộ Ông được đại trùng tu vào năm 1993. Ngày 18 tháng 4 âm lịch là ngày kị Ông. Mộ Bà cũng được an táng tại nam chân núi Đá Tịnh cách mộ Ông khoảng 200m về hướng đông, tọa càn, hướng tốn, kiêm thìn 3 độ. Mộ Bà được đại trùng tu vào năm…. Ngày 18 tháng 12 âm lịch là ngày kị Bà.
Đệ tam tổ họ Phan Phước Đức – Quế Châu là Đức Ích Công PHAN VĂN GIA (Thường gọi là ông Cẩm) và đệ tam tổ phu nhân là bà PHAN THỊ GẦN (thường gọi là bà Cẩm). Ông Bà lập nghiệp tại xứ Ao Thành và sinh hạ được một người con trai duy nhất. Mộ Ông đệ tam tổ được an táng tại xứ Ao Thành gần chân núi Đá Tịnh tọa hợi, hướng tỵ kiêm ngọ 4 độ. Mộ được đại trùng tu vào năm…. Ngày 25/4 âm lịch là ngày kỵ Ông. Mộ Bà được an táng tại địa điểm nào không rõ. Ngày 01/10 âm lịch là ngày kỵ bà.
Đệ tứ tổ họ Phan Phước Đức - Quế Châu là Đức Trình Công PHAN VĂN KHÔI KHOA (thường gọi là ông Mang), đệ tứ tổ phu nhân là bà PHẠM THỊ BÁ (thường gọi là bà Mang). Ông, Bà lập nghiệp tại xứ Ao Thành và sinh hạ được một người con trai độc nhất. Mộ Ông đệ tứ tổ nguyên an táng tại ngã ba Chợ Nón xã Quế Thuận sau di táng về rừng Phước Đức xã Quế Châu năm Quý Mão (2011) tọa tân hướng ất kiêm thìn 3 độ. Ngày 13/9 âm lịch là ngày kỵ Ông. Mộ Bà an táng tại hố Dơi dưới chân núi Đá Tịnh cách mộ ông đệ nhị tổ Phan Văn Lương về phía bắc khoảng 100m, tọa…hướng…kiêm… Ngày 26/10 âm lịch là ngày kỵ bà.
Đệ ngũ tổ họ Phan Phước Đức – Quế Châu là Đức Viễn Công PHAN VĂN DIÊU (thường gọi là ông Ân), đệ ngũ tổ phu nhân là bà TRẦN THỊ NHẼM. Ông, Bà sinh hạ được 08 người con trai, trong đó biết chắc có tự 02 người (còn những người khác thì không rõ) và 02 người con gái vô tự. Mộ Ông đệ ngũ tổ được an táng tại xứ Ao Thành dưới chân núi Đá Tịnh, tọa càn hướng tốn kiêm tỵ 3 độ và được đại trùng tu vào năm 2012. Ngày 11/01 âm lịch là ngày kỵ Ông. Mộ Bà được an táng tại vườn Thị Kham (gần vườn Võ Đình Hòe, ông Cẩm). Ngày 27/11 âm lịch là ngày kỵ Bà.
Hai người con trai có tự của đệ ngũ tổ đã sinh hạ phát triển để họ Phan Phước Đức – Quế Châu từ đời thứ 06 trở đi hình thành 02 hệ tộc: Hệ tộc 1 và hệ tộc 2.
Người khai tiên hệ tộc 01 họ Phan Phước Đức – Quế Châu là đệ lục tổ Đức Thuận Công PHAN VĂN ĐẠO (húy Ân) ,pháp danh Đạo Đạt. Đệ lục tổ phu nhân là bà NGUYỄN THỊ TUY. Ông, Bà lập nghiệp tại xứ Ao Thành sinh hạ được 02 người con trai, có tự 01 người và 04 người con gái vô tự. Mộ Ông được an táng tại gò Bớp xứ Đồng Bò thôn Phước Ninh xã Quế Thuận. Mộ này tọa dậu hướng mão kiêm giáp 2 độ, cách mộ đệ nhị tổ Phan Văn Lương khoảng 01km đường chim bay về hướng Đông. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì mộ Ông là một trong những ngôi mộ đắc địa nhất của dòng họ Phan Phước Đức – Quế Châu. Mộ kết theo cách “quỷ trung chứng huyệt” (người đời thường gọi là quỷ trung huyệt). Mộ được đại trùng tu vào ngày 23/9/2011. Ngày 01/5 âm lịch là ngày kỵ Ông. Mộ Bà được an táng tại ngã ba Chợ Nón xã Quế Thuận, sau di táng về rừng Phước Đức, xã Quế Châu năm tân mão (2011). Ngày 04/4 âm lịch là ngày kỵ bà.
Đệ thất tổ hệ 01 họ Phan Phước Đức – Quế Châu là Đức Huệ Công PHAN VĂN TẠO (thường gọi là ông Diệu). Đệ thất tổ phu nhân là bà NGUYỄN THỊ NHẮP. Căn cứ vào các phần mộ tổ được an táng có thể đoán định được rằng từ đời của Ông đệ thất tổ dòng họ của chúng ta đã chuyển cư lập nghiệp lần thứ hai tại Chợ Nón xã Quế Thuận, rồi Chợ Đàng xã Quế Châu cho đến ngày nay. Ông, Bà sinh hạ được tất cả 06 người con trai, có tự 04 người. Phần mộ của Ông được an táng gò ông Mai gần Chợ Nón, thôn Phước Thành , xã Quế Thuận, tọa mùi hướng sửu kiêm cấn 2 độ. Mộ của Ông được đại trùng tu vào năm 2001. Ngày 17/12 âm lịch là ngày kỵ Ông. Mộ Bà được an táng tại góc tây vườn tự phái quý họ Phan khu vực chợ Đàng thôn Phước Đức xã Quế Châu, tọa…, hướng…, kiêm…. Phần mộ của Bà được đại trùng tu vào năm… Ngày 27/6 âm lịch là ngày kỵ Bà.
Bốn người con trai có tự của Ông, Bà đệ thất tổ đã sinh hạ phát triển hệ tộc 1 họ Phan Phước Đức – Quế Châu từ đời thứ 08 về sau thành 04 phái.
Người khai tiên phái trưởng (phái nhất) hệ tộc 1 họ Phan Phước Đức – Quế Châu là đệ bát tổ Đức Tuần Công PHAN VĂN TUÂN (tục danh: Thủ Hạp). Đệ bát tổ phu nhân là bà NGUYỄN THỊ CHIÊU, nguyên quán tại Hội Tường Thăng Bình. Ông, Bà lập nghiệp tại Chợ Đàng, thôn Phước Đức, xã Quế Châu sinh hạ được 01 người con trai duy nhất là đệ cửu tổ PHAN VĂN NHIỄU. Đến đời thứ 10 thì phái trưởng phát triển được 03 chi. Người sinh hạ chi nhất là đệ thập tổ PHAN VĂN TỔN (húy Giải), người sinh hạ chi hai là đệ thập tổ PHAN VĂN BỔNG (húy Xác) và người sinh hạ chi ba là đệ thập tổ PHAN VĂN BÌNH (húy Khái). Con cháu phái trưởng định cư lập nghiệp tập trung chủ yếu tại thôn Phước Đức, xã Quế Châu. Một số định cư lập nghiệp tại các nơi khác trong cả nước và nước ngoài. Mộ Ông sinh hạ phái trưởng hệ tộc 01 nguyên được an táng tại vườn tự phái quý khu vực Chợ Đàng, thôn Phước Đức, xã Quế Châu, sau di táng về rừng Phước Đức, xã Quế Châu. Mộ Bà nguyên an táng tại Hội Tường huyện Thăng Bình, sau di táng cùng phần mộ song thân phụ mẫu về tại xứ Ao Thành núi Đá Tịnh, phía sau nhà ông Đợi xã Quế Thuận.
Người khai tiên phái trọng (phái nhì) hệ tộc 1 họ Phan Phước Đức – Quế Châu là đệ bát tổ Đức Tiến Công PHAN VĂN ĐẠT. Đệ bát tổ phu nhân có chính thất là bà BÙI THỊ THIÊN và thứ thất là bà VÕ THỊ LƯƠNG. Từ đời thứ 09 phái trọng sinh hạ phát triển thành 04 chi. Người sinh hạ chi 01 là đệ cửu tổ PHAN VĂN PHÙNG; người sinh hạ chi 02 là đệ cửu tổ PHAN VĂN TUYỂN; người sinh hạ chi 03 là đệ cửu tổ PHAN VĂN QUỲ; người sinh hạ chi 04 là đệ cửu tổ PHAN VĂN TẤN. Con cháu phái trọng định cư lập nghiệp chủ yếu tại thôn Phước Thành xã Quế Thuận. Một số con cháu khác định cư lập nghiệp tại các nơi khác trong cả nước và nước ngoài. Mộ Ông sinh hạ phái trọng hệ 01 được an táng tại Rừng Rang, thôn Khánh Đức, xã Quế Châu. Ngày 01/3 âm lịch là ngày kỵ Ông. Mộ Bà chánh thất được an táng tại gò ông Mai ,thôn Phước Thành, xã Quế Thuận. Ngày 19/11 âm lịch là ngày kỵ Bà. Mộ phần và ngày kỵ của Bà thứ thất không rõ.
Người khai tiên phái thúc (phái 03) hệ tộc 1 họ Phan Phước Đức – Quế Châu là đệ bát tổ Đức Dụng Công PHAN VĂN VẬN (húy Tây). Đệ bát tổ phu nhân là bà NGUYỄN THỊ Ý. Từ đời thứ 09 phái thúc sinh hạ phát triển được 02 chi. Người sinh hạ chi 01 là đệ cửu tổ PHAN VĂN KHIẾT, người sinh hạ chi 02 là đệ cửu tổ PHAN VĂN THANH. Con cháu phái thúc định cư lập nghiệp chủ yếu tại thôn Phước Đức, xã Quế Châu. Một số con cháu khác định cư lập nghiệp tại các nơi khác trong cả nước và nước ngoài. Phần mộ Ông sinh hạ phái thúc hệ 01 được an táng tại Gò Dài rừng Dềnh thôn Khánh Đức xã Quế Châu. Mộ có tiền án là những danh thạch mà người đời gọi là đá quan văn, quan võ. Ngày 23/11 âm lịch là ngày kỵ Ông. Mộ Bà được an táng cùng nơi của mộ Ông (song phần mộ). Ngày 19/5 âm lịch là ngày kỵ Bà.
Người khai tiên phái quý (phái 04) hệ tộc 01 họ Phan Phước Đức – Quế Châu là đệ bát tổ Đức Thành Công PHAN VĂN TOẠI. Đệ bát tổ phu nhân có chánh thất là bà NGUYỄN THỊ THƠ và thứ thất là các bà ĐINH THỊ LỘI sắc phong chánh ngũ phẩm phu nhơn và bà ….(không rõ họ tên). Ông sinh hạ phái quý nguyên là tướng thần xã trưởng, sắc tặng: Phụng nghị đại phu hàn lâm viện thị tộc. Các Ông, Bà lập nghiệp tại Chợ Đàng thôn Phước Đức xã Quế Châu và sinh hạ được 06 người con trai, 08 người con gái. Trong 06 người con trai của ông chỉ có Bố Chính cử nhân Phan Văn Thuật (đời thứ 9) là người duy nhất có tự, những người khác hoặc không có tự hoặc có tự nhưng đến đời thứ 10 thì tuyệt tự. Từ đời thứ 10 trở đi phái quý sinh hạ phát triển 03 chi. Người sinh hạ chi 01 là đệ thập tổ PHAN VĂN BA; người sinh hạ chi 02 là đệ thập tổ PHAN VĂN ĐỐNG; người sinh hạ chi 03 là đệ thập tổ PHAN VĂN VÕ. Con cháu phái quý định cư lập nghiệp tại khu vực Chợ Đàng thôn Phước Đức xã Quế Châu, một số con cháu khác định cư lập nghiệp tại các nơi khác trong cả nước hoặc nước ngoài. Bố chính cử nhân PHAN VĂN THUẬT (cử nhân khoa canh tý 1840 dưới triều vua Minh Mạng) là người khai khoa cho dòng họ Phan Phước Đức – Quế Châu. Thượng thư Bộ lễ Hội nguyên tiến sĩ PHAN QUANG (đỗ tiến sĩ đồng xuất thân trong khoa thi hội năm Mậu Tuất 1898 triều vua Thành Thái(đây là khoa thi Ngũ phụng tề phi của Quảng Nam) là người làm cho dòng họ Phan trở thành dòng họ đại khoa (những người thi đỗ trong các khoa thi hội và thi đình được gọi là đỗ đại khoa). Ông PHAN VĂN TOẠI thất lộc ngày 24/8 năm quý tỵ (1893) hưởng thọ 60 tuổi. Phần mộ của Ông được an táng gần nhà thờ phái quý họ Phan khu vực Chợ Đàng thôn Phước Đức, xã Quế Châu. Mộ ông được tọa vị tại một vùng đất được coi là đắc địa (thổ phúc tàng kim). Địa cục được hình thành theo cách: “Hoành triều thủy cục”. Bà đệ bát tổ phu nhân Nguyễn Thị Thơ thất lộc ngày 07/02 âm lịch. Mộ Bà nguyên an táng tại vườn tự phái quý họ Phan khu vực chợ Đàng thôn Phước Đức, xã Quế Châu, sau di táng về rừng Phước Đức, xã Quế Châu. Đệ bát tổ thứ thất Đinh Thị Lội thất lộc ngày 11/2 âm lịch an táng tại Xuân Yên (Xuân An) làng Xuân Thượng cũ, nay là thôn Phú Đa xã Quế Châu(gần nhà ông Lê Quang Toản).
Người khai tiên hệ tộc 02 họ Phan Phước Đức – Quế Châu là đệ lục tổ PHAN VĂN SỐ. Đến đời thứ 9 hệ tộc 2 họ Phan Phước Đức – Quế Châu phát triển thành ba phái. Người khai tiên phái nhất hệ tộc 2 là đệ cửu tổ Phan Văn Khế; người khai tiên phái nhì là đệ cửu tổ Phan Văn Tân; người khai tiên phái ba là đệ cửu tổ Phan Văn Thôi. Phả ký hệ tộc 2 họ Phan Phước Đức – Quế Châu sẽ được tiếp tục bổ sung sau.
Như vậy họ Phan Phước Đức – Quế Châu có mặt từ rất sớm và đứng chân rất lâu tại vùng đất này (khoảng 500 năm) kế tử lưu tôn được 17 đời với hai hệ tộc, bảy phái hệ và nhiều chi hệ. Dòng họ của chúng ta đã chung lưng đấu cật với các dòng họ khác để khai sơn, phá thạch; khai canh, hóa dân; kiến lập xã hiệu; …xây dựng, bảo vệ quê hương góp phần mở rộng biên cương cho tổ quốc.
Tổ tiên của chúng ta có nguồn gốc rất lâu đời. Tại mỗi gia đình, mỗi chi, phái tộc, hệ tộc, đại tộc đã có ý thức tạo lập , bảo tồn…lưu giữ được những tư liệu vô giá có liên quan đến lịch sử của dòn g họ. Nhờ vậy, mà hôm nay chúng ta mới có thể biên soạn được một bộ phả tộc cơ bản đầy đủ, rõ ràng, liền mạch,…từ đời thứ nhất đến đời thứ 17; và cũng nhờ vậy mà chúng ta biết được chúng ta là hậu duệ của phò mã thành hoàng Thuận Quốc Công PHAN CÔNG THIÊN và đệ nhất phẩm phu nhân Công Chúa TRẦN NGỌC LÃNG( Thông tin nầy được ghi lại tại phả hệ tộc Phan Đà Sơn cần được tiếp tục nghiên cứu , sưu tu,…để khẳng định độ chính xác).
Tổ tiên đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá mà đời dù lắm vàng, nhiều bạc cũng không thể nào mua được: họ Phan Phước Đức – Quế Châu là một dòng họ khoa bảng tiêu biểu, dòng họ văn hiến
Tìm hiểu lịch sử dòng họ là hướng về cội nguồn của mình – nơi thai, dưỡng những mầm lực tâm linh cội rễ, trân quý, đặc thù, làm nên chính mình. Chúng ta vừa tự hào về truyền thống tốt đẹp của dòng họ, vừa thể hiện lòng thành kính biết ơn vô hạn các bậc thủy tổ, các bậc thần tổ, các anh linh hào kiệt có công lao to lớn dựng nên sự nghiệp cho dòng họ Phan Phước Đức – Quế Châu rạng rỡ như ngày hôm nay. Kính cẩn nghiêng mình trước các bậc tiền bối, các thế hệ con cháu hậu sinh của Phan tộc đã, đang và sẽ có những việc làm thiết thực, hiệu quả để nối nghiệp tiền nhân.
Biên Khảo: Chủ Tịch Hội Đồng Gia Tộc, Nhà Giáo Ưu Tú, Phan Lọc