SƠ LƯỢC NGUỒN GỐC TỘC PHAN ĐÀ SƠN QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG

Theo phả hệ đại Phan tộc Đà Sơn Quảng Nam Đà Nẵng thì họ Phan Phước Đức – Quế Châu là một chi của phái họ Phan làng Phước Thượng (nay là thôn Phước Thượng xã Quế Thuận huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam). Phái họ Phan làng Phước Thượng thuộc hệ 1 hệ tộc 4 của đại Phan tộc Đà Sơn Quảng Nam – Đà Nẵng.

Tộc phả đại Phan tộc Đà Sơn Quảng Nam Đà Nẵng do Hội đồng gia tộc chư phái gồm 16 vị tổ đời 17, đời 18 (cao cao tổ húy Phan Công Thiên là đời thứ nhất) là tôn trưởng các hệ tộc, hệ phái tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế về họp tại làng Đà Sơn (nay là phường Hòa Khánh quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng) ngày 14/4 năm bính dần niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806) để phụng lục phổ chí cũ (cựu phổ) và tục biên những sự kiện qua các triều đại có liên quan đến tộc họ lập thành bảng văn tộc phả được bảo toàn lưu truyền tới ngày nay.

Mở đầu tộc phả nguyên văn như sau: “Nhân ngày lễ giỗ tiên công cao cao tổ húy Phan Công Thiên cùng nhóm họp phụng lục tộc phả, truy nhớ lại thủy tổ chúng ta là vua Lạc sinh ra tộc chúng ta (Lạc hoàng sinh hạ ngũ tộc). Thời thượng cổ lưu dấu ở động Thanh Lam hiệu Việt Thường Bộ - Trung cổ dời vào Lam Châu (sau là Lam Bình) – cận cổ dời vào Đà Bàng (sau là Bình Định)…” Tức tộc ta dòng giống vua Lạc, phát tích từ thượng cổ, lưu giống cũ ở động Thanh Lam đất Việt Thường, về sau chuyển cứ vào Lâm Bình rồi lại dời vào Bình Định.

Đến thời kỳ nhà Lý, cai quản đất Lâm Bình từ năm 1069. Rồi đến nhà Trần cai quản Châu Ô, Châu Ri, sau đổi tên là Thuận Châu, Hóa Châu. Đến năm 1307 thì các vùng đất này xảy ra nhiều lần nội phản, tranh giành quyền lực do các tú sĩ Đốc Mật và Sa Đẩu. Vua Trần sai tướng đi đánh dẹp bắt Ngụy Mật, Sa Đẩu thu lại đất Đà Giang. Về sau kế tiếp xảy ra chiến tranh giữa dân tộc Đại Việt và Chiêm Thành.

Để vùng đất nhà Trần cai quản có người Việt và người Chiêm đang ở lẫn lộn được hòa hợp, ổn định làm ăn khai hóa dân sinh. Vua Trần Dụ Tông ban tước cho cao cao tổ đời thứ nhất của dòng đại Phan tộc Đà Sơn Quảng Nam – Đà Nẵng chúng ta là Phan Công Thiên Tước Công: “Đô chỉ huy sung thập tam châu kinh lược chiêu dụ xử trí sứ”. Tức là tước kinh lược coi 13 châu, chiêu dụ các chủng tộc xử trí an cư lạc nghiệp, hòa hợp làm ăn.

Tiếp theo, tộc phả ghi chép về thân thế sự nghiệp của Phan Tiên Công húy Phan Công Thiên đến các đời con cháu hậu duệ,… kế tiếp của Ngài sanh cơ, lập nghiệp tại nhiều làng trong tỉnh Quảng Nam đến các tỉnh miền trung, nam có nhiểu thế tổ, có nhiều công trạng được các vương triều ban tước hầu, chức vị, hàm phẩm và phong sắc tứ tiền hiền khai canh tại các địa phương.

Về địa danh làng xã có các hệ tộc Phan (thuộc trực hệ đại Phan tộc Đà Sơn Quảng Nam) tộc phả ghi chép: “…những lời ghi lại của liệt vị tiên tổ trình bày sơ lược, lưu chiếu tại Lạc Câu, Trà Sơn, Trà Kiệu, Bảo An, An Hòa, Bàng Lãnh, Câu Nhí, Phú Sơn, Tích Phú, Cu Đê, Quang Khuê, Hòa Khuê cùng gốc chúng ta. Hôm nay không gặp mặt hết được nên không thể tra cứu tường tận bèn kính cẩn tôn xưng tiên công chúng ta húy Phan Công Thiên là cao cao tổ đời thứ nhất và tùy theo thứ tự các đời kế tiếp liền sau mà liệt kê để con cháu sau này y theo thể thức đó mà biên chép tiếp theo lưu truyền mãi mãi về sau không dứt…”. Các địa danh trên có từ thế kỷ 18 trở vệ trước (năm biên soạn 1806); từ đó về sau do dân sinh phát triển, chuyển cư, khai hoang lập ấp, mở rộng đất đai nên đã phân chia nhiều làng xã quận huyện, tỉnh thành. Những thôn xã còn bảo lưu địa danh cũ thì đã thu hẹp diện tích ban đầu.

Như vậy, dòng họ Phan gốc tổ Đà Sơn Quảng Nam đã có lịch sử lâu đời có tộc phả ghi truyền về gốc tích tổ tiên, lịch sử dòng họ gắn liền lịch sử dân tộc.

Chú thích: Lâm Bình nay là tỉnh Quảng Bình đến bắc tỉnh Quảng Trị
Thuận Châu: Nay là từ phía nam tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế
Hóa Châu: Nay là từ phía nam Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam (Vùng đất châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính và Châu Ô, Châu Ri trước kia)
Làng Đà Sơn nguyên đất động Trà Ngâm xứ Trà Na sau kiến lập xã hiệu Đà Sơn huyện Hòa Vang – Quảng Nam, nay thuộc phường Hòa Khánh quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng.
Thanh Lam động là từ viết tắt của Thanh Hóa, Lam Sơn động (quê của Lê Lợi) Việt Thường có thể là vùng đất rộng lớn thuộc quận Cửu Chân gồm từ Thanh Hóa vào đến Trung Trung Bộ.