Theo nguồn từ Phổ liệu Phan tộc miền Trung, Nam – Việt Nam thế phổ dòng họ Đà Sơn – Quảng Nam (1318 – 1997) do ban sưu tu Phan tộc phổ chí sưu tra từ năm 1957 và ấn hành năm 1997 thì tộc Phan thôn Phước Đức, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (trong phả tộc gọi là tộc Phan Phước Đức – Quế Châu) là một chi thuộc hệ 1 hệ tộc 4 của tộc Phan Đà Sơn. Thủy tổ tộc Phan Phước Đức – Quế Châu là Đức Vi công Phan Văn Lang, sắc phong “Tiền hiền khai canh”. Người là hậu duệ đời thứ 10 của thủy tổ tộc Phan Đà Sơn (Cao Cao Tổ Khảo Phò mã Phan Công Thiên và Cao Cao Tổ tỷ Công chúa Trần Ngọc Lãng, con vua Trần Minh Tông).
Thủy tổ Tộc Phan Phước Đức - Quế Châu từ làng Bàn Lãnh (xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào lập nghiệp tại làng Phước Thượng (xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Một vị tổ đời thứ hai của tộc Phan làng Phước Thượng là Đức Hiền công Phan Văn Lương đến lập nghiệp tại xứ Ao Thành, một biệt ấp của làng Phước Thượng hồi đó rồi khai sinh tộc Phan Phước Đức - Quế Châu đến nay được 17 đời.
Phước Đức, Quế Châu, được tọa vị tại một trong những địa cuộc chính của hệ thống các núi tọa càn hướng tốn của núi Hòn Tàu. Theo các nhà phong thủy thì Phước Đức, Quế Châu là đất địa linh vì đã có những dòng tộc (tiêu biểu như tộc Phan Phước Đức, tộc Lương Đồng Thành xã Quế Châu) sinh được nhiều người tài giỏi từ mảnh đất này.
Cách đây khoảng 500 năm, tộc Phan Phước Đức - Quế Châu có mặt tại vùng đất này để lập nghiệp, phát triển dòng tộc,… và cùng với các dòng tộc khác xây dựng một vùng đất Quế dù có nhiều bất lợi về điều kiện tự nhiên nhưng cũng sớm khẳng định được vị trí cho mình là không hề thua em, kém chị. Bên cạnh nhiệm vụ chung thực hiện Chiếu, Chỉ của các Vương triều phong kiến, tộc Phan Phước Đức – Quế Châu còn thực hiện một nhiệm vụ riêng cho dòng tộc mình là: “Tạo dựng, bảo tồn, phát triển để lưu truyền cho con cháu đời sau một di sản tinh thần vô giá”. Chính di sản này đã tạo nét rất đặc trưng cho tộc Phan Phước Đức – Quế Châu mà ít dòng tộc nào có được.
Thật vậy, không tự dưng mà dân gian luôn tôn truyền tộc Phan Phước Đức – Quế Châu là: “Quý tộc – Tộc Ngũ Phụng Tề Phi – Tộc Khoa bảng tiêu biểu – Tộc Huynh đệ đồng khoa - …”. Có được như vậy bởi thời nào tộc này cũng sản sinh được những người con ưu tú.
Dưới thời nho học, từ nửa sau thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20, tộc Phan Phước Đức – Quế Châu có 22 vị được vinh danh trên bảng vàng khoa cử. Trong 22 vị này có 01 Tiến sĩ, 03 Cử nhân và 18 Tú tài (người đời thường nói: “Tú tài tộc Phan như khoai lang được mùa”). Những nhân vật tiêu biểu của dòng tộc trong thời kỳ này có thể kể đến như:
Cử nhân Phan Văn Thuật (1808 – 1869). Đời thứ 9
Hiệu là Thức Văn Trai, đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (1840) dưới triều vua Minh Mạng. Cụ là người khai khoa cho tộc Phan Phước Đức – Quế Châu.
Trong đời làm quan cụ được bổ làm Tri huyện, Tri phủ, Bố chính, rồi Án sát. Khi giữ chức Viên ngoại lang tại Triều cụ được cử ra Hà Nội phúc thẩm giải oan nhiều vụ án hình sự được triều đình khen ngợi. Đại Nam Liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn viết về vụ như Sau: “Phan Văn Thuật làm quan siêng năng, tài cán, đến đâu cũng có tiếng hay về hành chính, đạo đức…”
Cụ mất ngày 13 tháng 01 năm kỷ tỵ niên hiệu Tự Đức (1869), thọ 62 tuổi.
Cử nhân Phan Văn Duật. Đời thứ 10
Đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ (1846) dưới triều vua Thiệu Trị. Trong đời làm quan cụ được bổ làm Tri huyện, Bố chính.
Thượng Thư Tiến sĩ Phan Quang (1873 – 1939). Đời thứ 11
Tự là Hối Thúc, hiệu là Quế Nam, là cháu nội Cử nhân Phan Văn Thuật người khai khoa tộc Phan Phước Đức – Quế Châu. Đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898). Đây là khoa thi: “Ngũ Phụng Tề Phi” của Quảng Nam. Khoa này Quảng Nam có 03 người đỗ Tiến sĩ (Phạm Liệu, Phan Quang và Phạm Tuấn), 02 người đỗ Phó bảng (Ngô Chuân và Dương Hiển Tiến). Với học vị Tiến sĩ của Cụ tộc Phan Phước Đức – Quế Châu được ghi vào danh sách những dòng tộc Đại khoa. Từ đây địa danh Phước Đức, Quế Châu được biết đến như là vùng đất học của quê hương Ngũ Phụng Tề Phi.
Trong đời làm quan Cụ được bổ làm Tri huyện, Án sát, Bố chính. Năm 1905 vì mâu thuẫn với viên Công sứ Pháp về thuế điền thổ tại nơi trị nhiệm nên bị triệu về Kinh. Đến năm 1910 được phục chức. Năm 1926 được triệu về kinh giữ chức Thị lang, sau đó Tham tri Bộ hình. Năm 1930 về hưu ở quê nhà và được thăng hàm Thượng thư bộ lễ. Do vậy, người đời hay gọi cụ là Cụ Thượng Phước Sơn (Phước Sơn là tên của quê Cụ thời ấy).
Cụ mất năm Kỷ Mão (1939), thọ 67 tuổi. Mộ cụ được an táng tại Phước Đức, Quế Châu và được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
Cử nhân Phan Dĩnh (1883 – 1921). Đời thứ 11.
Cụ còn có tên là Vĩnh, hiệu là Tùng Khê, là cháu nội Cử nhân Phan Văn Thuật.
Đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ niên hiệu Thành Thái thứ 18 (1906). Cùng khoa này có anh ruột của Cụ là Phan Ấm cũng đỗ Tú tài nên được tôn truyền là: “Huynh đệ đồng khoa”.
Trong đời làm quan cụ được bổ làm Tri huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Các con của Cụ có Thiếu tướng Phan Hàm, Đại tá Phan Hạo là những tướng, tá tài phục vụ trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cụ mất ngày 14 tháng 4 năm tân dậu (1921), thọ 39 tuổi.
Đầu thể kỷ 19 nho học suy tàn và kết thúc hoàn toàn vào năm 1919. Nhiều thập niên sau, việc thi cử theo tân học vẫn trong thời kỳ quá độ. Do vậy, thế hệ tộc Phan Phước Đức – Quế Châu giai đoạn này (đời thứ 12) bị lỡ vận về khoa bảng. Dù vậy, dòng tộc vẫn có không ít những người đức trọng, tài cao làm rạng rỡ tông môn bởi uy tín trong công việc và những công trình có giá trị to lớn của họ để lại cho đời. Tiêu biểu trong giai đoạn này có:
Cụ Phan Khoang (1906 – 1971). Đời thứ 12
Là con của Thượng thư Tiến sĩ Phan Quang trong nhóm Ngũ Phụng Tề Phi. Nhạc phụ của cụ là Phó bảng Nguyễn Đình Hiến một trong “Tứ Kiệt” của Quảng Nam.
Cụ là nhà giáo. Từ năm 1940 dạy học tại các trường trung học Chấn Thanh (Đà Nẵng), trường Phan Chu Trinh (Quảng Nam).
Cách mạng tháng 8 thành công, tham gia Hội văn hóa cứu quốc. Những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước có tham gia chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, bị tù và chỉ được trả tự do khi chế độ này sụp đổ. Từ năm 1963 dạy tại đại học Văn Khoa Sài Gòn, đại học Vạn Hạnh, đại học Cần Thơ.
Cụ là nhà báo. Từng làm chủ các tờ Bình Minh, Trách Nhiệm, Vì Dân (1949 – 1955) ở Huế.
Cụ còn là nhà sử học, nhà nghiên cứu đã từng tham gia viết bài trên tập sang Sử Địa (1966 – 1975) cùng với những nhà sử học có tiếng thời ấy như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Xuân Sơn, …
Các tác phẩm chính đã xuất bản gồm: Trung dung chú giải (Hà Nội 1944), Trung Quốc sử lược (Hà Nội 1944), Việt Pháp ban giao sử lược (Sài Gòn 1961), Việt sử xứ Đàng trong (cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam – Khai Trí, Sài Gòn 1970). Một số bản thảo đã hoàn thành như: Đại học dịch giải, Tổ chức chính quyền Trung ương dưới thời Nguyễn,…
Cụ mất ngày 04 tháng 9 năm tân hợi (20/10/1971), thọ 66 tuổi.
Cụ Phan Mật (1912 – 2015). Đời thứ 12
Là con của Thượng thư Tiến sĩ Phan Quang trong nhóm Ngũ Phụng Tề Phi.
Lúc nhỏ học ở quê nhà, sau đó chuyển học trung học ở Quy Nhơn rồi Huế.
Là một nhà giáo. Thời kỳ đầu dạy các trường tiểu học tại quê nhà. Về sau dạy tại các trường trung học tư thục như: Văn Hiến, Tân Thanh ở Sài Gòn, dạy Pháp văn, Việt văn tại trường Dân trí ở Quế Sơn.
Cụ là nhà báo. Những năm 1965 – 1966 làm báo Chính Nghĩa tại Đà Nẵng.
Từ 1967 – 1971 là Dân biểu Quốc hội của Việt Nam Cộng Hòa (đơn vị Quảng Nam). Tham gia vào ban giáo dục.
Cụ là nhà văn, nhà nghiên cứu. Những tác phẩm đã xuất bản:
Định luật tuần hoàn (NXB Tân Việt – Hà Nội 1943). Tiềm thức người khách lạ (Tác giả XB – Huế 1964) một phương pháp giáo dục mới – Tìm hiểu tâm lý trẻ (Tác giả XB – Sài Gòn 1974). Bí quyết khỏe đẹp ở mọi lứa tuổi (NXB Thành phố Hồ Chí Minh 2000). Danh ngôn xử thế - Một nghệ thuật sống (NXB Văn Nghệ 2006).Tuyển tập truyện ngắn Âu – Mỹ (NXB Văn Nghệ - 2007). Đời người bắt đầu từ tuổi 50 (NXB Văn Nghệ - 2007). Và còn khoảng 10 bản thảo chưa xuất bản.
Cụ mất năm ất sửu (2015) an táng tại quê nhà, thọ 104 tuổi.
Cụ Phan Du (1914 – 1983). Đời thứ 12
Là con của Thượng thư Tiến sĩ Phan Quang trong nhóm Ngũ Phụng Tề Phi.
Có các bút danh là Phong Kiều, Lan Chi, Hữu Phương.
Thời thơ ấu học tại Quê Nhà. Sau học trung học tại Quy Nhơn, Huế. Có thời gian làm tư chức cho Pháp.
Cụ là nhà văn nổi tiếng tại miền Nam trước năm 1975. Năm 1942 có truyện ngắn đăng trên báo ở Hà Nội (Thời Vụ, Tiểu Thuyết Thứ 7,…). Truyện ngắn Uất hận lên men của cụ đăng trên tạp chí Bách khoa ở Sài Gòn năm 1975 sau in thành sách. Cụ từng được giải nhì đồng hạng với nhà văn Nhật Bản về truyện ngắn thơ văn Châu Á của Trung tâm văn bút Philippine với truyện ngắn: ‘‘Hai chậu lan Tố Tâm’’.
Cụ còn là Nhà báo. Những năm 60 của thế kỷ trước cộng tác với các báo ở Sài Gòn như Bách Khoa, Tân Văn, Văn Học, Văn, Tin Học. Cụ còn là một trong hai sáng lập viên của Hội khuyến học Đà Nẵng trước năm 1975.
Cụ là nhà biên khảo tài ba. Truyện Con người, Mộng kinh sư và Quảng Nam trong lịch sử là ba tác phẩm biên khảo của cụ được đánh giá cao.
Sau năm 1975 sống ở Đà Nẵng, tiếp tục sáng tác. Nhưng phần lớn bản thảo và di cảo được một người cháu gái giữ tại Anh chưa ra mắt bạn đọc.
Cụ mất vào ngày 11 tháng 03 năm 1983 tại Đà Nẵng, thọ 70 tuổi.
Cụ Thiếu tướng Phan Hàm (1916 – 2002). Đời thứ 12
Được sinh ra trong một gia đình Khoa bảng. Ông cố là Cử nhân Phan Văn Thuật, bố là Cử nhân Phan Dĩnh.
Lúc nhỏ học ở quê nhà. Sau đó học Trung học tại Quy Nhơn, Huế. Cụ đỗ Tú tài năm 1940.
Năm 1942 – 1944 dạy học.
Từ 1945 về sau tham gia trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam. Đầu tiên tham gia tại trường Thanh niên tiền tuyến. Về sau trường này trở thành nòng cốt của lực lượng giải phóng quân Trung bộ. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp là Trưởng ban huấn luyện công tác tại Phòng tham mưu Liên khu 5. Năm 1953 chỉ huy phục kích đòa xe vận tải của Pháp tại đèo An Khê (Bình Định) góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ.
Được phong quân hàm Thượng tá năm 1958. Được cử làm Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu theo dõi chiến trường miền Nam.
Trong chiến dịch Tây nguyên từ ngày 04 tháng 3 đến ngày 03 tháng 4 năm 1975 giữ chức Tư lệnh phó Bộ tư lệnh chiến dịch.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 giữ chức Tham mưu phó chiến dịch.
Được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1980.
Thiếu tướng Phan Hàm mất năm 2002, thọ 87 tuổi
Sau giai đoạn chuyển tiếp giữa nho và tân học, chế độ thi cử mới của nước nhà ngày càng quy củ, tiếp cận được với xu thế chung của thời cuộc. Các thế hệ tộc Phan Phước Đức – Quế Châu có cơ hội phát huy truyền thống khoa bảng của tổ tiên. Nhiều người đỗ đạt cao và rất thành đạt. Tiêu biểu trong giai đoạn này có:
Giáo sư - Tiến sĩ Phan Hồng Khôi. Đời thứ 13.
Sinh ngày 04 tháng 12 năm 1942 tại xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Là cháu nội của Thương thư Tiến sĩ Phan Quang trong nhóm Ngũ Phụng Tề Phi. Ông là người thành đạt nhất của dòng tộc cho đến thời điểm ngày.
Học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ khoa học chuyên ngành khoa học vật liệu. Ông đã từng công tác tại Trung tâm phát triển công nghệ cao – Viện hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và còn công tác tại nhiều nơi khác. Từng giữ chức Viện trưởng viện khoa học vật liệu - Chủ tịch hội Vật lý Việt Nam - Chủ nhiệm bộ môn bán dẫn Nano, Giám đốc điều hành dự án : ‘‘Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam’’, Cố vấn cao cấp dự án Led,…
Các danh hiệu cao quý được nhận: Huân chương lao động hạng ba, Huy chương kháng chiến hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp khoa học công nghệ.
Hiện nay nghỉ hưu tại Hà Nội.
Tiến sĩ Phan Tiên Khôi. Đời thứ 14.
Sinh ngày 06 tháng 5 năm 1984 tại xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Tốt nghiệp Đại học và Thạc sĩ tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Từ 2013 đến 2016 nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại SungKyunkwan University (Hàn Quốc) và tốt nghiệp Tiến sĩ tại trường này năm 2016. Hiện nay định cư, làm việc tại thành phố Melbourne bang Victoria Úc.
Tiến sĩ – Bác sĩ Phan Đồng Bảo Linh. Đời thứ 14
Sinh ngày 01 tháng 7 năm 1968. Quế quán: Xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Tốt nghiệp Bác sĩ (1997), Thạc sĩ (2006), Tiến sĩ (2013) tại Đại học y khoa Huế. Tiến sĩ – Bác sĩ Phan Đồng Bảo Linh từng làm việc tại khoa Tim mạch bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, bệnh viện Thái Bình Dương Quảng Nam.
Từ xa xưa, tại Chợ Đàng và các vùng lân cận Chợ Đàng đã có Từ đường tộc Phan Phước Đức - Quế Châu và Từ đường các Phái, các Chi thuộc tộc. Tại những nơi này còn lưu giữ những bảo vật của dòng tộc như: “Phả tộc, Chiếu, Chỉ triều đình ban cho những người khoa bảng, văn bia, bài minh, liễn đối, đồ thờ phụng, …”. Đây là quần thể di tích văn hóa của dòng tộc còn in đậm dấu vết của tổ tiên. Là nơi hội tụ tâm linh mà “Khoa bảng” đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của một dòng tộc – “Dòng tộc Khoa bảng tiêu biểu” của quê hương Ngũ Phụng Tề Phi.
Con cháu tộc Phan Phước Đức - Quế Châu luôn tự hào hướng về dòng tộc nơi thai, dưỡng những mầm lực tâm linh cội rễ, trân quý, đặc thù góp phần làm nên cốt cách của chúng ta. Các thế hệ tộc Phan hôm nay và mai sau hết sức tu tâm, rèn đức, luyện tài để kế tục, phát triển truyền thống: “Khoa bảng” rạng ngời của tổ tiên cho cây đại thụ Phan tộc Phước Đức – Quế Châu mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững
Biên Khảo: Chủ Tịch Hội Đồng Gia Tộc, Nhà Giáo Ưu Tú Phan Lọc