NHỮNG TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP TIÊU BIỂU CỦA PHAN TỘC VIỆT NAM

Phan tộc Việt Nam có những truyền thống rất vẻ vang, rất tốt đẹp mà họ Phan Phước Đức – Quế Châu chúng ta đã thừa hưởng và kế tục, phát huy được để xây dựng dòng họ mình thành một dòng họ lớn của địa phương: “Dòng họ khoa bảng tiêu biểu, dòng họ văn hiến”.

Trong phạm vi của bài viết này xin trình bày giới hạn một số vấn đề sau:

Họ Phan Việt Nam là một họ lớn, một đại tộc. Người ta thường nói dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam có trăm họ bách tính. Trong hằng trăm họ nước ta, họ Phan là một họ có đông người phân bố không chỉ ở mọi vùng miền trong cả nước mà còn có mặt ở khắp năm châu bốn bể. Nhưng so với một số họ khác như họ Nguyễn thì không bằng.

Họ Phan Việt Nam là một dòng họ khoa bảng, hơn nữa là dòng họ đại khoa. Dưới chế độ phong kiến kéo dài đến ngàn năm ở nước ta học vị trong chế độ khoa cử là như nhau. Thi Hương thì trên có cử nhân, dưới là tú tài. Thi hội thì trên là Hoàng giáp, thứ đến là Tiến sĩ, dưới tiến sĩ về sau có đặt thêm học vị mới là Phó bảng. Thi đình tổ chức ở triều đình, sân rồng, đề thi do vua ra. Đỗ thi đình có ba bậc từ trên xuống dưới là: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Đỗ thi hương với học vị cử nhân, tú tài chưa được gọi là đại khoa, phải đỗ thi hội, thi đình mới gọi là đại khoa.

Trong các công trình nghiên cứu khoa học, hiện nay người ta đã thống kê như sau: Trong mấy trăm họ nước ta chỉ có 85 họ có người đỗ đại khoa. Họ Phan đứng hang thứ 6 sau các họ: Nguyễn, Phạm, Trần, Vũ, Ngô. Tự hào thấy rằng họ Phan là họ đại khoa, nhưng mặt khác cũng phải khiêm tốn thấy rằng họ ta không đứng đầu các họ đại khoa.

Trong khi họ Phan có 64 người đỗ đại khoa thì họ Nguyễn có 1063 người, họ Phạm có 217 người, họ Trần có 176 người, họ Vũ có 161 người, họ Ngô có 94 trên tổng số cả nước có 2898 người đỗ đại khoa.

Về học vị tam khôi, cả nước có 46 trạng nguyên, họ ta không có ai; cả nước có 48 bảng nhãn, họ ta không có ai; về thám hoa cả nước có 76 người, họ ta có 02 người (Phan Kính đỗ khoa quý hợi 1743 và Phan Đường Hạo đỗ khoa đinh mùi 1847).

Về hoàng giáp (dưới thám hoa trên tiến sĩ) ta có 07 trên tổng số 562 người trên cả nước. Tiến sĩ họ Phan có 39 người (trong đó họ Phan Phước Đức – Quế Châu có 01 tiến sĩ đó là Phan Quang đỗ khoa thi hội năm mậu tuất 1898) trên tổng số 1806 tiến sĩ cả nước.

Như vậy, lại một lần nữa ta có thể tự hào về họ Phan nhưng lại phải khiêm tốn so với một số họ khác thì họ ta chưa bằng.

Tuy nhiên ở đây ta cũng phải thấy rằng họ ta có Phan Phú Tiên đỗ 02 lần tiến sĩ, hồi ấy gọi là thái học sinh; một lần vào đời Trần, một lần vào đời Lê. Họ Phan có Phan Kính đỗ thám hoa, vì tài cao mà được vua nhà Thanh Trung Quốc sắc phong là thám hoa tức là lưỡng quốc thám hoa. Ta còn phải thấy rằng, học vị bằng cấp là quan trọng nhưng quan trọng hơn là chân tài, thực tài. Có người không đỗ đại khoa nhưng tài năng vượt trội hơn các vị tam khôi. Theo giáo sư Nguyễn Văn Huyên trong tác phẩm: “Văn minh Việt Nam” trong số các bậc túc nho nước ta thời phong kiến có 02 bộ óc siêu việt: một là thám hoa Lê Quý Đôn, hai là Phan Huy Chú. Phan Huy Chú chỉ đỗ tú tài hai lần (tú kép) nhưng để lại cho dân tộc và hậu duệ một công trình xuất sắc là “Lịch triều hiến chương loại chí” gồm 49 quyển, đó là bộ bách khoa thư Việt Nam thời trước, hiện nay vẫn còn giữ giá trị lớn.

Họ Phan ta còn là họ Văn hiến. Cần thấy rằng học hàm học vị chỉ là cái thể của khoa bảng; văn hiến mới là cái dụng của khoa bảng. Ta tự hòa vì dòng họ của chúng ta là dòng họ khoa bảng không chỉ vì cái thể của nó mà quan trọng hơn là cái dụng của nó – dòng họ văn hiến: học hàm học vị của dòng họ đã đi vào cuộc sống trên nhiều lĩnh vực để cống hiến cho đời.

Về lĩnh vực chính trị: Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về truyền thống vẻ vang của dân tộc thời cận đại thường nêu tên bốn người, ba trong số đó là người họ Phan. Bốn vị đó là: Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Trong lịch sử Việt Nam dưới thời phong kiến không có ai là người họ Phan làm vua chúa. Các họ Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Mai, Trịnh là họ vua chúa. Nhưng trong lịch sử hiện đại từ năm 1945 đến nay có hai vị thủ tướng chính phủ là người họ Phan. Đó là đồng chí Võ Văn Kiệt (tức Phan Văn Hòa) và đồng chí Phan Văn Khải. Về chính trị co thể kể thêm: Phan Đăng Lưu, Phan Thanh, Phan Diễn…vv.

Về lĩnh vực quân sự:

Thời Hùng duệ vương thứ 18 có Phan Tây Nhạc gốc Thanh Hóa là vị tướng có công lớn chống ngoại xâm được vua sắc phong đại vương, được phong tôn thần, làm thành hoàng, hiện còn thờ ở đình Thị Cấm, xã Xuân Phương, quận Từ Liêm, TP Hà Nội.

Thời Tây Sơn có Phan Lân là một vị tướng tài của Quang Trung, cầm đầu một cánh quân diệt quân Thanh ở Đống Đa, góp phần giải phóng Đống Đa

Thời cận đại có Phan Đình Phùng, vừa là một tiến sĩ, vừa là một tướng lĩnh, cầm đầu nghĩa quân trong phong trao Cần Vương chống Pháp ở căn cứ Vụ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh hơn 10 năm.

Thời hiện đại có một vị đại tướng họ Phan là Mai Chí Thọ (tức Phan Đình Đống) bộ trưởng bộ công an. Thượng tướng có thể kể Đinh Đức Thiện (tức Phan Đình Dinh - ủy viên trung ương Đảng – bộ trưởng), thượng tướng Phan Trung Kiên, thứ trưởng bộ quốc phòng. Còn nhiều trung tướng, thiếu tướng họ Phan khác nữa…

Về ngoại giao: Họ ta có nhà ngoại giao tài ba là Lê Đức Thọ (Tức Phan Đình Khải). Ông vừa là nhà lãnh đạo cách mạng tham dự hội đàn Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam,ông được giải thưởng quốc tế Nobel về hòa bình cùng với bộ trưởng ngoại giao Mỹ là Henry Kissinger nhưng ông từ chối không nhận giải thưởng vì tại thời điểm đó (1973) nền hòa bình thật sự chưa thành hiện thực trên tổ quốc Việt Nam.

Về các lĩnh vực khác: Luật học có tiến sĩ Phan Văn Trường, tiến sĩ Phan Anh. Họa sĩ có Phan Kế An, nhạc có Phan Huỳnh Điểu, thơ có Phan Ngọc Hoan (Chế Lan Viên), toán có GS Phan Đình Diệu, vật lý GS-TS Phan Hồng Khôi (dòng họ Phan Phước Đức – Quế Châu, ông là cháu nội của Thượng thư bộ lễ hội nguyên tiến sĩ Phan Quang), sử học có GS Phan Huy Lê, Phan Huy Chú; văn có GS Phan Cự Đệ, hán nôm có PGS Phan Văn Cát, hóa học có GS Phan Tống Sơn, sinh có GS Phan Khải, địa chất GS Phan Trường Thị.

Điều cần chú ý là càng tự hào về dòng họ bao nhiêu thì các thế hê hậu duệ hôm nay và muôn đời sau còn phải nêu cao tấm gương học hỏi, nâng cao tài năng, trau dồi phẩm chất đạo đức cống hiến cho dòng họ, cho quê hương đất nước để không hổ thẹn và để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dòng họ.