Thủy tổ đệ nhất đợi họ Phan Phước Đức – Quế Châu: Đức vi công Phan Văn Lang là hậu duệ đời thứ 10 của đức tổ “Thành hoàng Thuận Quốc Công Phan Công Thiên” (Trong bài viết này viết tắt là Ngài . Thông tin nầy lấy từ phả hệ đại Phan tộc Đà Sơn).
Ngài là cao cao tổ đệ nhất đợi đại Phan tộc Đà Sơn Quảng Nam – Đà Nẵng sinh ngày 06 tháng giêng năm mậu ngọ (1318), mất ngày 14 tháng 4 âm lịch năm Khai Đại thứ 3 (1405). Thân phụ, thân mẫu không rõ.
“ Thành hoàng Thuận Quốc Công” đệ nhất phẩm phu nhân húy công chúa Trần Ngọc Lãng sinh ngày 10 tháng 03 năm quý hợi (1323), mất ngày 07 tháng giêng âm lịch năm Khai Đại thứ 04 (1406). Thân phụ là vua Trần Minh Tông, thân mẫu không rõ.
Ngài sinh hạ phát triển hai hệ tổ. Người khai tiên hệ tổ 01 là Đức tổ “Kinh lược Chánh sứ” húy Phan Công Chánh và “Kinh lược Chánh sứ phu nhân” húy Phạm Thị Xuân Quang. Hệ tổ 01 sinh hạ phát triển 04 hệ tộc: Hệ tộc 01 phát triển các hệ phái trực hệ Phan tộc Đà Sơn. Hệ tộc 2 phát triển các hệ phái trực hệ Phan tộc Lạc Câu. Hệ tộc 03 phát triển các hệ phái trực hệ Phan tộc Trà Sơn. Hệ tộc 04 phát triển các hệ phái trực hệ Phan tộc Bàng Lãnh ( họ Phan Phước Đức – Quế Châu là một chi của hệ tộc 04 này .Thông tin nầy lấy từ phả hệ đại phan tộc Đà Sơn). Người khai tiên hệ tổ 02 là Đức tổ “Kinh lược phó sứ” húy Phan Công Nhâm và “Kinh lược phó sứ phu nhân” húy Phùng Thị Đinh. Hệ tổ hai sinh hạ phát triển được 03 hệ tộc. Hệ tộc 01 phát triển các hệ phái trực hệ Phan tộc Phong Lệ. Hệ tộc 02 phát triển các hệ phái trực hệ Phan tộc Phú Sơn. Hệ tộc 03 phát triển các hệ phái trực hệ Phan tộc Tích Phú.
Ngài đã sống gần trọn đời mình trong thế kỷ thứ 14 cho đến những năm đầu thế kỷ 15 – là người kế tục dòng dõi Phan tộc từ nhiều thế hệ xa xưa với các cương vị, vai trò trọng yếu trên mảnh đất miền trung “Yết hầu” của tổ quốc. Ngài là Phò mã vương triều Trần - phu nhân Trần Ngọc Lãng. Ngài đã sống và hoạt động trên miền đất Hóa Châu xưa kia dưới các triều vua Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông cho đến triều đại nhà Hồ. Ngài đã chứng kiến quá trình suy vong của vương triều Trần và bước chấp chánh của Hồ triều.
Đối với nhà Trần, ngoài tình gia tộc Ngài còn nặng nghĩa quân thần, gắng bó với trọng trách nhà Trần giao cho: “Đô chỉ huy sung thập tam châu chiêu dụ xử trí sứ”. Ngài đã xin trâu bò, dụng cụ làm nông, xin thêm người thuần phục việc nông trang và biết chữ nghĩa để tiến hành sự nghiệp khai canh hóa dân. Ngài đổi các chức châu trưởng, tù trưởng thành các chức lệnh doãn quan, đặt các chức động trưởng, lại trưởng thành cai trại, tri châu. Mỗi trại lập kho thóc lúa chi cấp cho quân dân, chứa thóc giống,…và nông cụ.
Mấy năm sau, sau khi dân trong xứ biến hóa ước quá nữa, Ngài xin vua đất Hóa Châu từ đèo Hài Vân đến Quảng Ngãi lập thành huyện Đà Bàng (chỉ vua sửa Điện Bàn), tức toàn bộ Quảng Nam doanh của nhà Lê và Nguyễn sơ sau này. Tổng xã được chia lại, dân số được lập ngạch tịch và nêu ra việc đối đãi ngang nhau giữa người cũ, người mới và người Ngô. Ruộng đất được chia thành công điền, tư điền. Vua Trần đã khen thưởng Ngài khai khẩn đất đai không phụ chức trách chỉ huy, giáo hóa nhân dân thành nề nếp,…nên Ngài được ban tước công danh hiệu “Thành hoàng Thuận Quốc Công”, cấp cho trang trại nhiều làng, xã từ Đà Sơn, Đà Ly, Quang Quê, Hóa Quê, Nô Cổ, Đông Quan, La Hồng, cai quản 50 trại khu nhận thóc lúa để chi dùng và truyền tử lưu tôn. Đến tuổi già Ngài xin cáo lão và phụng chiếu vua sai hai con giữ chức “Kinh lược các châu trại” kế tục sự nghiệp của Ngài.
Trưởng công tử húy Phan Công Chánh đặt công phủ tại châu Thăng Hoa (sau là phủ Thăng Bình, Tam Kỳ và Tư Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi). Thứ công tử húy Phan Công Nhâm đặt công phủ tại vùng đất Đà Ly nay thuộc huyện Hòa Vang và phía bắc Điện Bàn, Đại Lộc. Từ đó đến nay đã sinh hạ con cháu phát triển nhiều phái, chi Phan tộc tại các địa phương miền Trung, miền Nam đến nay trải qua 25 đời.
Ngài, sau khi cáo lão xin về trí sĩ và lập tư phủ tại xứ Trà Na (sau này là làng Đà Sơn) và tổ chức việc quản trị xã cư. Ông cai trại húy Kiều Linh giữ chức xã trưởng, ông cựu đông trưởng húy Đỗ Tuyết giữ chức Tri châu, ông Nguyễn Đăng làm Kháng thủ lo việc riềng trong tư phủ. Một số ruộng đất vua Trần ban cho, Ngài xung vào công điền, công thổ.
Năm 1405 niên hiệu Hồ Khai Đại thứ 03 ngày 14 tháng tư âm lịch, Ngài qua đời.
Sự nghiệp to lớn của Ngài là sự nghiệp của lịch sử giao phó. Đó là sự nghiệp kinh bang tế thế; vừa lo ổn định chính trị xây dựng chính quyền mới; vừa lo mở mang kinh tế nông nghiệp; lại vừa lo giáo dục dân trí trên một địa bàn rộng lớn, sơ khai hoang dã và chiến tranh loạn lạc. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, để hoàn thành sứ mệnh khó khăn và trọng đại của mình, Ngài không lạm dụng quyền lực, không vị kỷ; ngược lại Ngài đã dựa vào lòng dân, vào sự đoàn kết các tộc họ đã cùng nhau chung sống, chia sẻ phận sự, chia sẻ cam go, tin tưởng và yêu thương dân làng. Đó vừa là phương sách nề nếp truyền thống văn hóa cao đẹp của Ngài. Truyền thống là mầm giống tốt được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho mãi đến ngày nay.
Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Ngài là ôn lại công lao vô cùng to lớn, trọng trách hết sức nẵng nề, …hai vai gánh nặng sơn hà trước cộng đồng dân tộc và non sông Đại Việt của Ngài. Trong bước ngoặt lịch sử và bối cảnh của đất nước với sự đổi thay triều đại. Là ôn lại đức độ khiêm nhường lòng tự trọng, tình nghĩa thủy chung như nhất khi hoạn nạn khó khăn cũng như khi thành công và thắng lợi. Là bảo tồn, phát huy một quan điểm sống, một nhân cách đẹp, tình nhân ái, đức từ tâm, một nhân cách của việc soi sáng cho muôn đời con cháu mai sau.
Với sự nghiệp ấy, đức độ ấy nhà Hậu Lê sau này tiếp tục truy phong cho Ngài sắc: “Hữu Dực Thánh Thành Hoàng”, cấp thêm ruộng đất và sức các xã phụng sự. Nhà Nguyễn truy phong sắc: “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần” và cũng tiếp tục cấp ruộng đất và công điền để phụng tự.
Ngài qua đời an táng tại làng Đà Sơn. Gần 600 năm qua, dân làng Đà Sơn dù trong hoàn cảnh thuận lợi hoặc khó khăn như thế nào cũng đều tổ chức lễ tưởng niệm Ngài và các vị cộng sự của Ngài vào ngày chánh kỵ 14 tháng 4 âm lịch hằng năm. Điều này cũng đã trở thành mỹ tục của dân làng không bao giờ thay đổi. Lăng mộ của Ngài do nhân dân làng Đà Sơn xây dựng ban đầu, rồi được trùng tu nhiều lần. Năm nhâm thân (1992) là lần đại tu tôn tạo do nhân dân và con cháu Phan tộc trong ngoài tỉnh cùng góp kinh phí. Mộ bà cao cao tổ công chúa húy Trần Ngọc Lãng cũng được đại trùng tu năm bính tý (1996).
Nơi thờ tự Ngài, phu nhân và hai người con được thờ tự nhiều nơi như đền thờ tiền hiền làng Đà Sơn, tổ đường đại tôn tại Đà Sơn, đền thờ hiệp phái tộc Phan miền nam tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, nhà thờ Phan tộc đồng tôn tại các địa phương. Mỗi lần tế lễ tại địa phương có văn tưởng niệm Ngài và các hậu duệ sinh hạ phát triển hệ phái Phan tộc.